Trước hết là dầu khí với trữ lượng khoảng từ 3 đến 4 tỉ tấn dầu qui đổi, cùng các loại khoáng sản có giá trị khác như than, sắt, ti tan, cát thuỷ tinh. Bên cạnh đó là nguồn lợi hải sản với chủng loại rất phong phú, đa dạng, có tổng trữ lượng khoảng từ 3 đến 4 triệu tấn.
Dọc bờ biển có hơn 100 địa điểm có thể xây dựng cảng, trong đó có nhiều nơi có thể xây dựng cảng trung chuyển quốc tế; có nhiều đảo có tiềm năng phát triển kinh tế tổng hợp. Ngoài ra, biển nước ta còn có 125 bãi biển lớn, nhỏ nông thoải, nước trong và sạch, nắng ấm quanh năm, không khí trong lành với cảnh quan đẹp... là điều kiện lý tưởng để xây dựng các khu nghỉ mát, nghỉ dưỡng, du lịch cao cấp.
Tuy nhiên, một số vùng biển nước ta thường xảy ra thiên tai với cường độ lớn và tần suất cao làm ảnh hưởng đến sản xuất và đời sống của nhân dân vùng ven biển cũng như trong việc khai thác tiềm năng kinh tế biển.
Bên cạnh đó, quy mô phát triển kinh tế biển nước ta còn khá nhỏ, manh mún, chưa tương xứng với tiềm năng; cơ cấu ngành, nghề chưa hợp lý, mới chỉ phát triển trên một diện hẹp; chưa chuẩn bị đủ các điều kiện cần thiết để đủ sức vươn ra vùng biển quốc tế.
Trong khai thác, đánh bắt, chế biến nguồn lợi kinh tế biển vẫn đang chủ yếu là sản xuất nhỏ; với hệ thống hạ tầng còn thiếu thốn, yếu kém, chưa đồng bộ; cùng với đang thiếu những cảng biển lớn với dịch vụ hậu cần quy mô, hệ thống những cơ sở nghiên cứu khoa học công nghệ biển, các cơ sở dự báo thiên tai từ biển đang bộc lộ những yếu kém, bất cập v.v…
Đặc biệt, công tác hợp tác quốc tế về biển còn nhiều hạn chế, trong khi tranh chấp giữa các nước liên quan đến biển Đông còn diễn ra phức tạp.
Theo dự báo của Liên hợp quốc, đến năm 2025, thế giới sẽ mất đi 70 triệu héc ta đất canh tác do bị ngập mặn hay bị chìm trong nước biển. Do đó, những dự án chiến lược khai thác biển, biến biển cả thành nơi phát triển nông nghiệp đang được các quốc gia và các nhà khoa học quan tâm nghiên cứu, xây dựng.
Là một quốc gia có biển, đảo, Việt Nam cũng không nằm ngoài nguy cơ này, nên hết sức quan tâm đến việc xây dựng chiến lược phát triển biển.
Định hướng chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020
Với những nhận định quan trọng trên, Hội nghị lần thứ tư ban Chấp hành Trung ương Đảng (khoá X) đã có quan điểm chỉ đạo về định hướng chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020, thể hiện rõ trên các luận điểm sau.
Một là, nước ta phải trở thành quốc gia mạnh về biển, làm giàu từ biển trên cơ sở phát huy mọi tiềm năng từ biển, phát triển toàn diện các ngành, nghề biển với cơ cấu phong phú, hiện đại, tạo ra tốc độ phát triển nhanh, bền vững, hiệu quả cao với tầm nhìn dài hạn.
Hai là, kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế - xã hội với bảo đảm quốc phòng - an ninh, hợp tác quốc tế và bảo vệ môi trường; kết hợp giữa phát triển vùng biển, ven biển, hải đảo với phát triển vùng nội địa theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá.
Ba là, khai thác mọi nguồn lực để phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường biển trên tinh thần chủ động, tích cực mở cửa, phát huy đầy đủ và có hiệu quả các nguồn lực bên trong; tranh thủ hợp tác quốc tế, thu hút mạnh các nguồn lực bên ngoài theo nguyên tắc bình đẳng, cùng có lợi, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của đất nước.
Trên tinh thần đó, Đảng ta đã xác định rõ mục tiêu và định hướng chiến lược phát triển kinh tế biển đến năm 2020 và tầm nhìn xa hơn.
Chiến lược phát triển kinh tế biển
Mục tiêu tổng quát là đến năm 2020, phấn đấu đưa nước ta trở thành quốc gia mạnh về biển, làm giàu từ biển, bảo đảm vững chắc chủ quyền, quyền chủ quyền quốc gia trên biển, đảo, góp phần quan trọng trong sự nghiệp công nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá, làm cho đất nước giàu mạnh.
Mục tiêu cụ thể là xây dựng và phát triển toàn diện các lĩnh vực kinh tế, xã hội, khoa học - công nghệ, tăng cường củng cố quốc phòng, an ninh. Phấn đấu đến năm 2020, kinh tế trên biển và ven biển đóng góp khoảng 53 – 55% tổng GDP của cả nước.
Giải quyết tốt các vấn đề xã hội, cải thiện một bước đáng kể đời sống nhân dân vùng biển và ven biển; có thu nhập bình quân đầu người cao gấp 2 lần so với thu nhập bình quân chung của cả nước.
Cùng với xây dựng một số thương cảng quốc tế có tầm cỡ khu vực, hình thành một số tập đoàn kinh tế mạnh, sẽ xây dựng một số khu kinh tế mạnh ở ven biển; xây dựng cơ quan quản lý nhà nước tổng hợp thống nhất về biển có hiệu lực, hiệu quả; mở rộng hợp tác quốc tế trong các lĩnh vực về biển.
Trên cơ sở đó, Hội nghị lần thứ Tư Ban chấp hành Trung ương Đảng (khoá X) đã có những định hướng chiến lược sát đúng và cụ thể về phát triển kinh tế biển đến năm 2020 trên một số lĩnh vực quan trọng dưới đây.
Về kinh tế - xã hội: Đẩy mạnh công tác điều tra cơ bản về tài nguyên biển và bảo vệ môi trường biển; phát triển khoa học - công nghệ biển; xây dựng kết cấu hạ tầng biển gắn với phát triển mạnh các ngành dịch vụ; xây dựng tuyến đường ven biển, trong đó có một số đoạn cao tốc và các tuyến vận tải cao tốc trên biển.
Hình thành một số lĩnh vực kinh tế mạnh gắn với xây dựng các trung tâm kinh tế để ra biển, làm động lực thúc đẩy sự phát triển của đất nước. Đến năm 2020, phát triển thành công, có bước đột phá về kinh tế biển, ven biển gồm: khai thác, chế biến dầu khí; kinh tế hàng hải; khai thác và chế biến hải sản; phát triển du lịch biển và kinh tế hải đảo; xây dựng các khu kinh tế, các khu công nghiệp tập trung và khu chế xuất ven biển gắn với phát triển các khu đô thị ven biển.
Trước mắt, sẽ tập trung đầu tư phát triển du lịch biển, xây dựng cảng biển, phát triển công nghiệp đóng tàu, phát triển những ngành dịch vụ mũi nhọn như vận tải biển, các khu kinh tế ven biển; tạo các điều kiện cần thiết bảo đảm an ninh, an toàn cho người dân hoạt động, sinh sống trên biển, đảo và ở những vùng thường bị thiên tai.
Về chiến lược quốc phòng, an ninh, đối ngoại: Phát huy sức mạnh tổng hợp, giữ vững độc lập, chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán, toàn vẹn lãnh thổ, lãnh hải, vùng trời Tổ quốc.
Kết hợp chặt chẽ các hình thức, biện pháp đấu tranh chính trị, ngoại giao, pháp lý, kinh tế, quốc phòng trong quản lý vùng trời, bảo vệ biển, đảo của Tổ quốc gắn với thế trận an ninh nhân dân. Xây dựng lực lượng vũ trang, nòng cốt là hải quân, không quân, cảnh sát biển, biên phòng, dân quân tự vệ biển mạnh, làm chỗ dựa vững chắc cho ngư dân và các thành phần kinh tế sản xuất và khai thác tài nguyên biển.
Sớm xây dựng chính sách đặc biệt để thu hút và khuyến khích mạnh mẽ nhân dân ra đảo định cư lâu dài và làm ăn dài ngày trên biển, phát triển kinh tế kết hợp làm nhiệm vụ bảo vệ vùng biển của Tổ quốc.
Về phát triển khoa học - công nghệ biển: Xây dựng tiềm lực khoa học - công nghệ biển đáp ứng yêu cầu sự nghiệp đổi mới, phục vụ hiệu quả quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước.
Đẩy mạnh nghiên cứu và hợp tác quốc tế trong lĩnh vực ứng dụng khoa học - công nghệ, phục vụ công tác điều tra cơ bản, dự báo thiên tai và khai thác tài nguyên biển; nhanh chóng nâng cao tiềm lực khoa học - công nghệ cho nghiên cứu và khai thác tài nguyên biển, đáp ứng được yêu cầu giai đoạn phát triển mới của đất nước.
Về xây dựng kết cấu hạ tầng biển: Phát triển mạnh hệ thống cảng biển quốc gia, xây dựng đồng bộ một số cảng đạt tiêu chuẩn khu vực và quốc tế, đặc biệt chú trọng các cảng nước sâu ở cả ba miền của đất nước, tạo những của mở lớn vươn ra biển thông thương với thế giới.
Tăng cường đầu tư chiều sâu, cải tiến đồng bộ và hiện đại hoá cơ sở vật chất kỹ thuật, sớm khắc phục tình trạng lạc hậu về trình độ kỹ thuật - công nghệ các cảng; tăng nhanh năng lực bốc xếp hàng hoá, giảm thiểu tối đa chi phí, bảo đảm có sức cạnh tranh cao trong hội nhập kinh tế quốc tế.
Sớm hoàn chỉnh khai thác có hiệu quả hệ thống sân bay ven biển, xây dựng tuyến đường ven biển và đường cao tốc Bắc - Nam trên biển v.v…
Theo website ĐCSVN